MỞ THÔNG DẠ DÀY QUA NỘI SOI
_BS Trần Hoàng Vũ ( Khoa Nội Tiêu hóa BVQY7A)_
ĐẠI CƯƠNG
Mở thông dạ dày ra da qua nội soi (PEG: Percutaneous endoscopic gastrostomy) là một thủ thuật nội soi can thiệp để nuôi ăn bằng đường tiêu hóa (đường ruột) được chỉ định để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở BN ăn uống không đầy đủ bằng đường miệng.
Kỹ thuật mở dạ dày ra da qua nội soi được giới thiệu lần đầu vào năm 1980 hiện là phương pháp thường được lựa chọn để nuôi ăn bằng đường tiêu hóa vì :
.Đơn giản, an toàn, ít biến chứng.
.Sử dụng bộ dụng cụ tương đối đơn giản, rẻ tiền.
.Giảm được nhiều chi phí và thời gian nằm viện so với phẫu thuật.
CHỈ ĐỊNH
Tất cả các bệnh nhân có chỉ định nuôi ăn lâu dài ( từ 4 tuần trở lên).Thông thường được chỉ định trong các tình huống sau:
.Tai biến mạch máu não, chấn thương đầu mặt cổ, rối loạn hoặc mất phản xạ nuốt
.Các tắc nghẽn cơ học khác của đường tiêu hóa trên: ung thư thực quản, ung thư vùng hầu họng, miệng...
Mở dạ dày ra da còn được chỉ định trong các trường hợp ăn uống kém, không đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình điều trị như: BN bỏng rộng, xạ trị hoặc hóa trị, dò thực quản, viêm phổi do đặt ống sonde dạ dày – mũi, bệnh Cronh…
Ngoài ra, mở thông dạ dày còn được chỉ định nhằm mục đích giải áp ở BN đường tiêu hóa bị tắc nghẽn do nhiều nguyên nhân khác nhau hay BN bị liệt dạ dày
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Tất cả các trường hợp thành trước dạ dày không áp sát vào thành bụng, cụ thể các tình huống sau:
Báng bụng mức độ vừa và nặng,
Béo phì thành bụng dày mỡ
Gan lớn, đặc biệt là gan trái, lách to
Bệnh nhân đã cắt dạ dày
U thực quản, hạ họng: ống nội soi không qua được
Các bệnh lý thâm nhiễm dạ dày, dãn tĩnh mạch dạ dày
Tắc ruột (trừ trường hợp mở dạ dày ra da để giải áp),
Rối loạn đông máu không điều chỉnh được
Bệnh nhân thẩm phân phúc mạc, bệnh lý dạ dày tăng áp cửa
Đối với BN mang thai mở PEG có thể phức tạp do nguy cơ tiềm ẩn tử vong và tử vong của thai nhi
BIẾN CHỨNG
PEG được coi là phương pháp nuôi ăn qua đường tiêu hóa an toàn, tỉ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong thấp. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra và nguy cơ tử vong tăng lên những BN có bệnh lý kèm theo
Chảy máu
Suy hô hấp
Tổn thương nội tạng
Viêm cân cơ hoại tử
Hội chứng Buried Bumper
Sự lan truyền của khối u vào dạ dày
Sự hình thành mô hạt
Nhiễm trùng tai chỗ
Rò
Tắc nghẽn dạ dày
Tràn khí màng bụng
THEO DÕI SAU THỦ THUẬT
Bắt đầu nuôi ăn sớm nhất là 4 giờ sau khi làm thủ thuật. Số lượng dịch nuôi ăn bắt đầu với 40ml/4 giờ, sau đó tăng dần 25ml/ mỗi 12 giờ để đạt 250ml/4 giờ. Làm sạch ống trước và sau mỗi lần ăn để tránh tắc nghẽn
Theo dõi các biến chứng sau thủ thuật, theo dõi vị trí lỗ mở PEG (sưng, đau, đổi màu, tiết dịch, mủ, rò rỉ xung quanh…). Ống nuôi ăn nên được xoay khoảng 180 độ và di chuyển lên xuống khoảng 1-2cm hàng ngày sau khi lỗ mở đã được lành hoàn toàn
Thay băng, rửa vết thương hàng ngày
Ống nuôi ăn có thể sử dụng từ 6 – 12 tháng, nếu có chỉ định tiếp tục nuôi ăn thì thay ống nuôi ăn mới.
Một số hình ảnh cụ thể:
. Chú ý: Kĩ thuật có sự hỗ trợ chuyên môn của TS.BS Hồ Đăng Quý Dũng
Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy